Cầu lao động đến từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước


Nhận định này được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia “Xu thế phát triển của lao động trong các loại hình doanh nghiệp Việt Nam” do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cùng Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và đầu tư) tổ chức tại Hà Nội ngày 14/9/2017.

Một báo cáo đưa ra tại hội thảo cho thấy, từ nay đến năm 2030, nhu cầu lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tăng bình quân 733 nghìn lao động/năm. Trong đó số lao động làm việc trong khu vực này vào năm 2022 sẽ đạt khoảng 12,845 triệu người, 16,02 triệu người vào năm 2026 và 19,4 triệu người vào năm 2030.

Theo TS Nguyễn Văn Thuật và các cộng sự đến từ Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, doanh nghiệp ngoài nhà nước đang ở trong xu hướng ngày càng phát triển, đặc biệt là xu hướng gia tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp. Điều này tất yếu sẽ kéo theo xu hướng phát triển của lao động trên hai bình diện là nhu cầu sử dụng lao động của khu vực doanh nghiệp này ngày càng lớn và chất lượng lao động đòi hỏi ngày một cao hơn. Hai yếu tố được coi là nền tảng cho sự phát triển của lao động trong lĩnh vực này là Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân được thông qua tại Hội nghị BCH T.Ư Đảng mới đây và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 3/6/2017.

Việt Nam có lực lượng lao động đông đảo đang làm việc trong thành phần kinh tế ngoài nhà nước với khoảng 46 triệu lao động nhưng phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương. Trong khi đó, phát triển lao động làm công ăn lương là xu thế tất yếu của kinh tế thị trường. Vì vậy để phát triển phù hợp với xu hương này thì Việt Nam cần coi trọng phát triển kinh tế tư nhân hơn nữa mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp ngoài nhà nước trên nền tảng của một sân chơi bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

Tại hội thảo, PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên nghiệp – trình độ từ cao đẳng trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao, chiếm 27,2% trong tổng số lao động thất nghiệp. Trong khi thị phần thất nghiệp của nhóm “đã qua đào tạo nghề” (bao gồm: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề) hay nhóm “chưa qua đào tạo/đi học” là rất thấp (tương ứng 5,3% và 2,2%). Sở dĩ có điều này có thể là do nhóm lao động này sẵn sàng làm các công việc giản đơn trong khi những người có trình độ học vấn cao lại cố gắng tìm kiếm công việc với mức thu nhập phù hợp hơn. Điều này phần nào chỉ ra sự bất hợp lý giữa ngành nghề đào tạo với yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” hiện vẫn tồn tại.

Những hạn chế, yếu kém nói trên của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (năm 2016, Việt Nam xếp vị trí 60/138 nền kinh tế được WEF đánh giá về năng lực cạnh tranh).

“Với mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động; góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ 3 giải pháp trọng tâm là: Xây dựng các chuẩn; tăng cường tự chủ đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp” – ông Cao Văn Sâm nói.

Quang Lộc

Theo: baocongthuong.com.vn

Bình luận về bài viết này