Lao động Việt Nam chưa “vàng” về chất lượng


(HQ Online)- Hiện doanh nghiệp ngoài nhà nước (DNNNN) đang sử dụng gần 62% tổng số lao động đang làm việc trong 3 loại hình DN của cả nước (gồm DN Nhà nước, DNNNN và DN có vốn đầu tư nước ngoài).

Số lượng lao động của nước ta đang trong xu hướng gia tăng nhanh. Ảnh: Hương Dịu.

 

Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, có mối quan hệ cùng chiều giữa xu hướng phát triển của DNNNN với xu hướng phát triển nguồn lao động trong tiến trình phát triển kinh tế thị trường ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam.

“Vàng” về số lượng, nhưng…

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, số lượng lao động của nước ta đang trong xu hướng gia tăng năm sau cao hơn năm trước và tốc độ tăng nhanh hơn kể từ năm 2014. Bình quân mỗi năm tăng 765 nghìn người trong giai đoạn 2010 – 2016, chủ yếu do DNNNN gia tăng sử dụng. Cụ thể, số lao động trong DNNNN năm 2010 là gần 6 triệu lao động, đã tăng lên hơn 8,4 triệu lao động trong năm 2016.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Thuật (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia), số lượng lao động của DNNNN lại không song hành với chất lượng. Đó là khả năng cạnh tranh cũng như trình độ chuyên môn còn hạn chế, không ít DN đã phải tự đào tạo lao động hoặc đào tạo lại theo hình thức vừa học vừa làm. Điều này đang trở thành một trong những “nút thắt” lớn trong quá trình phát triển của DNNNN. Vì vậy, việc phát triển nguồn lao động đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của DN là một trong những vấn đề mấu chốt, cấp thiết của nền kinh tế Việt Nam.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, năng suất lao động bình quân hàng năm của lao động trong DNNNN đứng ở vị trí thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2014 so với 2 loại hình DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nguyên nhân không chỉ do chất lượng lao động thấp mà còn do môi trường kinh doanh vẫn còn có sự bất bình đẳng giữa các loại hình DN, trong đó DNNNN bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là vấn đề đáng lo ngại vì nó cản trở khả năng cạnh tranh và phát triển của DNNNN trong nền kinh tế.

Ở góc độ tác động của tiền lương cũng cho thấy, tiền lương và thu nhập bình quân hàng tháng của lao động trong loại hình DN này cũng thấp hơn so với 2 loại hình DN nêu trên và đặc biệt thấp so với loại hình DN nhà nước. Rõ ràng lương của lao động trong DNNNN chưa thực sự là động lực để thúc đẩy làm việc, nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta cũng còn nhiều bất cập, không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của DNNNN.

Sẽ là chìa khóa để phát triển

Xét về chất lượng lao động có việc làm phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng cho thấy, lao động làm việc hàng năm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đang trong xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất chậm và chiếm tỷ lệ cũng rất cao, trong khi lao động đã qua dạy nghề, có trình độ trung cấp chuyên nghiệp lại có dấu hiệu giảm hoặc chững lại và lao động có trình độ đại học trở lên lại có xu hướng tăng nhanh, từ 6,9% năm 2013 đã lên 9% năm 2016. Điều này phản ánh sự bất hợp lý về cơ cấu chất lượng lao động và do đó vẫn tạo nên tình trạng thị trường lao động thừa thầy, thiếu thợ. Minh chứng cho điều này là tình trạng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp vẫn đang là vấn đề xã hội “nóng” ở nước ta

“Hiện Việt Nam có hơn 43 triệu người trong lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 79,1%), trong khi chỉ có 11,3 triệu người đã được đào tạo (chiếm 20,9%). Những con số này đã phản ánh tình trạng lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động trong nền kinh tế lại thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp và lao động giá rẻ là đương nhiên. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao lực lượng lao động nước ta chỉ ‘vàng’ về số lượng mà không phải ‘vàng’ về chất lượng”, TS Nguyễn Văn Thuật phân tích thêm.

Có thể nói, cùng với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta, DNNNN đang phát triển khá nhanh ở tất cả các vùng và các địa phương trong cả nước, nhiều chỉ tiêu kinh tế cơ bản của loại hình DN này chiếm tỷ trọng cao hơn DN nhà nước như: Số lao động, nguồn vốn, tài sản cố định, doanh thu… DNNNN đang là lực lượng chính, ngày càng nâng dần vai trò động lực quan trọng hơn đối với toàn bộ nền kinh tế và được cho là sẽ có vai trò quyết định trong các loại hình DN ở nước ta. Vì vậy, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho rằng, việc phát triển nguồn lao động đáp ứng tốt cho nhu cầu phát triển của DN là một trong những vấn đề cơ bản, cấp thiết của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ để nâng cao sức mạnh nội tại của nền kinh tế nước ta nói chung, sức mạnh của DNNNN nói riêng, mà còn để đáp ứng nhu cầu của phát triển kinh tế thị trường.

PGS. TS. Mạc Văn Tiến (Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp) cho rằng, nguồn nhân lực sẽ là chìa khóa chính để phát triển kinh tế. Và DNNNN cần phải coi việc sử dụng lao động theo phương châm thời gian làm việc là lợi nhuận, là vàng bạc của DN cũng như của người lao động. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần coi trọng phát triển kinh tế tư nhân hơn nữa, trong đó trọng tâm là phát triển DNNNN trên nền tảng sân chơi bình đẳng giữa các loại hình.

Xuân Thảo

Bình luận về bài viết này