Nghịch lý lao động Việt: “Vàng” số lượng, chưa “vàng” chất lượng!


Thị trường lao động ở Việt Nam sẽ chứng kiến xu hướng ngày càng có nhiều việc làm cho lao động lựa chọn, do doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước tạo ra. Nhưng, sự đáp ứng với yêu cầu công việc của lao động phần lớn vẫn còn thấp, do lao động hạn chế về kỹ năng, tay nghề và thường phải trải qua một thời gian nhất định theo hình thức vừa học vừa làm, hoặc DN phải đào tạo lại trước khi cho làm việc chính thức.

Ts. Nguyễn Văn Thuật – Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia, dẫn số liệu thống kê cho thấy, nước ta vẫn đang trong thời kỳ dân số “vàng”. Nhưng, thực tiễn lại cho thấy chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng. Hiện có hơn 43 triệu người trong lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 79,1%), trong khi chỉ có 11,3 triệu người đã được đào tạo (chiếm 20,9%).

Thừa thầy, thiếu thợ

Ông Thuật đánh giá, những con số này phản ảnh chung là lao động dồi dào, nhưng chất lượng lao động trong nền kinh tế lại thấp, dẫn đến năng suất lao động (NSLĐ) thấp và lao động giá rẻ là lẽ đương nhiên.
Xét về chất lượng lao động có việc làm phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng cho thấy, lao động làm việc hàng năm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật đang trong xu hướng giảm, nhưng vẫn còn rất chậm và chiếm tỷ lệ cũng rất cao.

Trong khi đó, lao động đã qua dạy nghề, có trình độ trung cấp chuyên nghiệp lại có dấu hiệu giảm, hoặc chững lại và lao động có trình độ đại học trở lên lại có xu hướng tăng nhanh, từ 6,9% năm 2013 đã lên 9% năm 2016. Điều này phản ánh sự bất hợp lý về cơ cấu chất lượng lao động và do đó vẫn tạo nên tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong nền kinh tế của nước ta.

PGs.Ts. Cao Văn Sâm – Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, phân tích trong tổng số 54,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có khoảng 11,3 triệu người đã được đào tạo, chiếm 20,9% tổng lực lượng lao động.

Hiện cả nước có hơn 43 triệu người (chiếm 79,1% lực lượng lao động) chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định.

“Như vậy, nguồn nhân lực của nước ta trẻ và dồi dào, nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật còn thấp”, ông Sâm đánh giá.

Hơn 43 triệu người trong lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật

Theo ông Sâm, lực lượng lao động ở nước ta vẫn trong tình trạng thiếu các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề; yếu kém về tin học, ngoại ngữ; thiếu hiểu biết về pháp luật; đạo đức nghề nghiệp chưa cao; thiếu tinh thần và ý thức trách nhiệm trong công việc, tự do, tùy tiện, chậm thích nghi với môi trường làm việc mới,… NSLĐ còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Cụ thể, NSLĐ của Việt Nam có xu hướng tăng chậm hơn so với các nước đang phát triển trong khu vực, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năm 2014, NSLĐ Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á – Thái Bình Dương và ở ASEAN: chỉ bằng 1/15 so với Singapore; 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan, chưa kể so sánh với NSLĐ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand… Năng lực đổi mới và sáng tạo KH&CN của lực lượng lao động có trình độ cao còn nhiều yếu kém.

Mất dần sức cạnh tranh

Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta ngày càng tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực, mất cân đối nghiêm trọng về trình độ đào tạo, cơ cấu và giới. Tình trạng thất nghiệp của lao động có bằng cấp cao ngày càng nhiều.

Dự báo trong những năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hợp tác song phương và đa phương sẽ được ký kết. Sự di chuyển lao động giữa các quốc gia sẽ diễn ra mạnh mẽ, sự cạnh tranh trong thị trường lao động càng trở nên gay gắt. Trong khi đó, nhân lực của nước ta đang mất dần sức cạnh tranh trên thị trường lao động trong khu vực và quốc tế, đây là thách thức lớn đối với nước ta.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta cũng còn nhiều bất cập, chất lượng đào tạo thấp hoặc đào tạo không phù hợp với nhu cầu thực tiễn của DN ngoài nhà nước.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2012 cho thấy, tỷ lệ các DN phàn nàn về những kỹ năng công nhân được đào tạo tại trường không phù hợp với những kỹ năng mà DN cần còn rất lớn. Trong đó, gần 65% chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng những kỹ năng mà trường dạy nghề và trung học chuyên nghiệp đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của DN. Tỷ lệ này ở các DN trong nước là DNNN và DN tư nhân thấp hơn, khoảng 35%.

Thực tế này cho thấy, để nâng cao NSLĐ cần phải giảm sự khác biệt giữa kỹ năng được đào tạo và kỹ năng mà DN cần. Điều này đòi hỏi cơ chế kết nối DN với cơ sở đào tạo, đồng thời phải tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo, những cơ sở đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của thị trường sẽ khó được chấp nhận.

Ông Sâm đánh giá, những hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam nêu trên đang trở thành gánh nặng, những thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp, bởi chức năng, nhiệm vụ của nó chính là đào tạo nhân lực lao động cho quốc gia. Cũng chính vì thế, đòi hỏi hệ thống này phải nỗ lực, có những giải pháp, hướng đi phù hợp cho giai đoạn tới để hội nhập sâu, rộng vào Cộng đồng ASEAN.

Ngoài ra, Ts. Trần Thị Minh Phương – Trường Đại học Lao động – Xã hội, nhận định trình độ của lao động trong DN có tác động tích cực đến NSLĐ trong DN. Như vậy, việc đào tạo ngoài DN hay trong DN đều đóng vai trò quan trọng đến tăng NSLĐ trong DN.

Thy Lê

Theo: http://thoibaokinhdoanh.vn

Bình luận về bài viết này